Vài nét về bệnh cao huyết áp
Cao huyết áp hay tăng huyết áp là căn bệnh mạn tính trong đó áp lực máu đo được ở động mạch tăng cao. Huyết áp thường được đo bằng hai chỉ số là huyết áp tâm thu (systolic) và huyết áp tâm trương (diastolic), dựa trên 2 giai đoạn co bóp và giãn nghỉ của cơ tim, tương ứng với áp lực cao nhất và áp lực thấp nhất của dòng máu trong động mạch. Đến nay, có nhiều chuẩn về khoảng bình thường của huyết áp. Huyết áp lúc nghỉ thông thường trong khoảng 100 - 140mmHg huyết áp tâm thu và 60 - 90mmHg huyết áp tâm trương, nếu trên ngưỡng 140/90mmHg được xem là mắc bệnh.
Cao huyết áp được phân thành hai dạng là tăng huyết áp nguyên phát và thứ phát. Tăng nguyên phát chiếm 90 - 95% số ca mắc bệnh, tức không xác định được bệnh nguyên nhân, hay nguyên nhân không rõ ràng (vô căn). Khoảng 5 - 10% còn lại là tăng huyết áp thứ phát, có nguyên nhân cụ thể do một số bệnh tác động tới thận, động mạch, tim, và hệ nội tiết. Tăng huyết áp tạo áp lực cho tim, dẫn đến gia tăng bệnh tim mạch, yếu tố nguy cơ chính trong tai biến mạch máu não, suy tim, phình động mạch, bệnh thận mạn, và bệnh động mạch ngoại biên cùng nhiều hệ luỵ nan y khác.
Những lý do gây bệnh ở người cao tuổi
Do hóa chất BPA: tạp chí cao huyết áp Hypertension của Mỹ số ra mới đây phát hiện thấy hóa chất BPA được dùng để tráng lớp lót bên trong của các loại bao bì đựng đồ uống như chai nhựa, lon hộp có thể bài tiết vào thực phẩm và làm tăng huyết áp. Rất nhiều nghiên cứu khác cũng phát hiện thấy phơi nhiễm mạn tính BPA làm tăng bệnh tim mạch, cao huyết áp.
Viện tim mạch Bluhm (BCI) Mỹ khuyến cáo mọi người nên tránh xa BPA, hạn chế dùng thực phẩm chứa trong đồ hộp, chai lọ nhựa, nên dùng sản phẩm đồ chứa khác thay thế như thủy tinh, gốm sứ, thép không rỉ, nhất là dùng đựng thực phẩm nóng. Khi dùng lò vi sóng không được cho đồ chứa nhựa vào lò, nhiệt độ cao sẽ làm cho BPA tiết ra nhanh hơn.
Đường: thực phẩm rất gần gũi với con người, ngon miệng và dễ nghiện, thủ phạm gây béo phì, tăng huyết áp. Theo nghiên cứu của BCI, đường còn nguy hiểm hơn cả muối, vì vậy những người mắc bệnh cao huyết áp cần giảm ăn đường, nhất là đường fluctose được bổ sung vào cho các loại thực phẩm ăn nhanh.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến cáo, phụ nữ cao niên không nên ăn quá 6 thìa cà phê đường (khoảng 100 calo)/ngày, còn đàn ông không quá 9 thìa cà phê (150 calo). Ví dụ, một lon soda có chứa tới 9 thìa cà phê đường. Muốn giảm đường, trước tiên nên tránh xa thực phẩm ăn nhanh, chế biến quá kỹ bởi đây là nhóm thực phẩm không có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Ngưng thở khi ngủ (sleep apnea): căn bệnh rối loạn thường gặp ở nhóm trung cao niên, nếu không được chẩn đoán, chữa trị kịp thời dễ dẫn đến ngáy ngủ và tăng huyết áp. Theo các chuyên gia ở Quỹ nghiên cứu giấc ngủ quốc gia Mỹ (NSF) khi đường khí thở bị gián đoạn, lượng oxy trong máu giảm, não truyền tín hiệu qua hệ thần để lấy thêm oxy cho tim cho tim vào não, vì vậy nó làm cho các mạch máu bị hẹp lại. Nếu thường xuyên thiếu hụt dưỡng khí thì chất lượng giấc ngủ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra nó còn làm cho cơ thể bài tiết nhiều hoóc-môn stress, làm rối loạn nhịp tim, dẫn đến tăng huyết áp.
Để giảm bệnh, mọi người nên áp dụng lối sống khoa học, như giảm cân, năng luyện tập, ăn uống cân bằng khoa học, nếu nặng có thể tư vấn bác sĩ dùng thuốc, phẫu thuật hoặc mang thiết bị hỗ trợ hô hấp khi ngủ để giúp dòng không khí thông suốt.
Cô đơn: những người sống đơn chiếc, cô đơn hoặc luôn có cảm giác cô đơn thường dễ mắc bệnh cao huyết áp, căng thẳng, chất lượng cuộc sống bị suy giảm. Mới đây, các chuyên gia ở ĐH Chicago Mỹ đã kết thúc nghiên cứu dài 5 năm phát hiện thấy mối liên quan mật thiết giữa cô đơn và cao huyết áp ở nhóm người trên 50 tuổi. Ngược lại, những người có cuộc sống lạc quan, vui vẻ, nhiều bạn bè, mối quan hệ xã hội tốt, bản thân luôn cảm thấy cuộc đời có nghĩa, hạnh phúc thì có tỉ lệ mắc bệnh cao huyết áp tim mạch thấp.
Vì lý do này mọi người nên thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi lối sống, duy trì mối quan hệ cộng đồng, tăng bạn bớt thù, giảm ý nghĩ thù địch sẽ giúp cho sức khỏe được củng cố, ít mắc bệnh bệnh cao huyết áp cũng như tim mạch.
Do thuốc chữa bệnh: các loại thuốc kê đơn lẫn không kê đơn (OTC) đều có tác dụng chữa bệnh, tăng cường sức khỏe nhưng thực tế một số loại thuốc lại làm tăng huyết áp. Theo bệnh viện Mayo Clinic Mỹ, những người dùng thuốc giảm đau, giảm sốt acetaminophen (Tylenol) thường có tỉ lệ mắc bệnh cao huyết áp cao hơn nhóm không dùng thuốc. Ngoài ra, một số loại thuốc như thuốc kháng viêm ibuprofen (Advil, Motrin IB), naproxen sodium (Aleve), thuốc chống trầm cảm Venlafaxine (Effexor), Bupropion (Wellbutrin), và Desipramine (Norpramin) cũng làm tăng huyết áp. Một số loại dược thảo như thuốc bổ như: nhân sâm, cam thảo, cây ma hoàng (ephedra), các loại thuốc thông mũi, thuốc hít cũng có tác dụng phụ làm tăng huyết áp, vì vậy những người mắc bệnh cao huyết áp khi dùng các loại thuốc này nên tư vấn kỹ bác sĩ và đo huyết áp thường xuyên.
Mắc bệnh tuyến giáp: các chuyên gia ở AHA phát hiện thấy bệnh suy giáp (tức tuyến giáp sản xuất không đủ hormone tuyến giáp) và bệnh cường giáp (tuyến giáp sản xuất quá nhiều hoóc-môn tuyến giáp) là thủ phạm làm tăng huyết áp cao hơn so với những người bình thường. Không chỉ có suy giáp và cường giáp, các chứng bệnh liên quan đến tuyến giáp khác, như cường cận giáp cũng được xem là thủ phạm nặng ký gây bệnh cao huyết áp. Cận giáp tác động đến việc điều tiết hormone, tạo ra quá nhiều canxi trong máu và cuối cùng làm tăng huyết áp.
Để giảm bệnh, những người mắc bệnh tuyến giáp cần điều trị đồng thời những căn bệnh mắc phải, một khi tuyến giáp ổn định, làm việc tốt sẽ giúp giảm huyết áp, giúp ổn định tâm tính và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người trong cuộc.
DS.Trang Nhung
(theo Grandparents)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét